Bancassurance, kênh phân phối đóng góp khoảng 50 – 60% tổng doanh thu phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, thậm chí cao hơn, đang gặp nhiều khó khăn.
Thấy gì từ kết quả thanh tra?
Bộ Tài chính vừa công bố kết luận thanh tra chuyên đề năm 2022 tại hai công ty bảo hiểm phi nhân thọ có doanh thu bán bảo hiểm lớn qua ngân hàng (Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Công thương Việt Nam và Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp).
Các báo cáo được công bố cho thấy, cả hai công ty còn có những sai sót về việc thực hiện quy tắc, điều khoản, biểu phí đối với các sản phẩm bảo hiểm triển khai bán qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Ngoài ra, công tác quản lý tài chính, hạch toán đối với các khoản chi phí năm 2022 liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm chưa đúng với quy định…
Tuy nhiên, đối với việc thực hiện tiếp nhận xử lý thông tin khách hàng phàn nàn, khiếu nại tại các công ty được thanh tra, các phản ánh về đại lý bảo hiểm chiếm tỷ trọng khá thấp.
Cụ thể, năm 2022, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Công thương Việt Nam (Bảo hiểm VietinBank - VBI) đã tiếp nhận trên 6.000 cuộc gọi đến của khách hàng; trong đó, các cuộc gọi chủ yếu phàn nàn về quy trình thủ tục, việc giảm trừ, từ chối bồi thường, chi trả bảo hiểm (chiếm tỷ lệ 69,9%). Số lượng ý kiến phản ánh của khách hàng về đại lý bảo hiểm chỉ chiếm 0,54%, với nội dung chủ yếu là khách chưa được tư vấn kỹ về hợp đồng bảo hiểm như việc giảm trừ, thời hạn tham gia bảo hiểm, giá trị tham gia bảo hiểm… Còn lại là các phản ánh khác về sai thông tin khách hàng, chưa nhận được giấy chứng nhận bảo hiểm, yêu cầu hủy hợp đồng bảo hiểm, chưa được tư vấn kỹ về quy tắc và điều khoản bảo hiểm…
Thông tin về kết luận thanh tra, bà Bùi Thị Thanh Xuân, Phó tổng giám đốc Phụ trách Ban điều hành VBI cho biết, kênh bancassurance đã được Công ty triển khai hơn 15 năm nay. Trong suốt quá trình đó, các sản phẩm được phân phối qua kênh này liên tục được cập nhật, hoàn thiện và được nhiều khách hàng là các chủ doanh nghiệp và cá nhân đón nhận, đánh giá cao. Tuy vậy, thực tế triển khai, đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19 và sau này là khung pháp lý có nhiều bổ sung, sửa đổi, đã đặt ra một số vấn đề Công ty cần khắc phục, hoàn thiện từ quy trình, quy chế vận hành, quản lý đại lý đến triển khai phân phối sản phẩm qua kênh này.
Theo lãnh đạo VBI, Công ty sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các đối tác, giám sát, nâng cao chuyên môn cán bộ tư vấn, đại lý và áp dụng các biện pháp kiểm soát chất lượng từng đại lý theo định kỳ, từ đó tạm dừng đối với các đơn vị, đối tác đại lý không đáp ứng tiêu chí và tiêu chuẩn về chất lượng tư vấn…
Đáng chú ý, kết quả thanh tra cho thấy, tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm của khối phi nhân thọ khi bán qua kênh ngân hàng được duy trì ở mức độ rất cao. Cụ thể, tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm của VBI ước tính chưa đến 1%. Được biết, năm 2022, VBI bán 65 sản phẩm bảo hiểm thuộc các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ qua kênh ngân hàng; trong đó, có 5 sản phẩm có doanh thu chính (chiếm 86,39%) gồm: bảo hiểm người vay vốn; bảo hiểm sức khỏe VBICare toàn diện; bảo hiểm vật chất xe ô tô; bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; bảo hiểm cháy và các rủi ro đặc biệt - phần thiệt hại vật chất.
Trong khi đó, với ABIC, kết quả thanh tra cho thấy, năm 2022, Công ty triển khai bán 49 sản phẩm bảo hiểm qua hệ thống ngân hàng và quỹ tín dụng… Trong đó, sản phẩm bảo hiểm bảo an tín dụng là sản phẩm có doanh thu lớn nhất, chiếm hơn 80% tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2022, tiếp đó là bảo hiểm thân xe ô tô và bảo hiểm bảo an chủ thẻ Flexi… Năm 2022, ABIC phát hành hơn 5.353.000 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancassurance và chỉ có gần 2.000 hợp đồng bị hủy bỏ, tương ứng tỷ lệ chưa đầy 0,04%. Hiện có khoảng 3 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ Agribank được bảo hiểm, trong đó gần 2 triệu khách hàng tham gia bảo an tín dụng; 50.000 khách hàng vay vốn tại Agribank được bồi thường với số tiền thụ hưởng là gần 900 tỷ đồng.
Thực tế, tỷ lệ hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm bán qua bancassurance của khối phi nhân thọ rất thấp bởi hợp đồng này chỉ có thời hạn 1 năm, không phải hợp đồng dài hạn như bảo hiểm nhân thọ, tuy nhiên một yếu tố quan trọng là sản phẩm bảo hiểm được các công ty bảo hiểm phi nhân thọ cung cấp qua kênh này đa số đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng của ngân hàng, đặc biệt là các sản phẩm bảo an tín dụng.
Theo chia sẻ của đại diện Bảo hiểm Agribank, Bảo hiểm Vietinbank và Bảo hiểm BIDV, trong 10 năm qua, ba công ty này đã chi trả bồi thường hơn 20.000 tỷ đồng cho các khách hàng gặp rủi ro. Trong số này, phần lớn là các khách hàng vay vốn tại các ngân hàng thương mại. Nếu không có khoản tiền bảo hiểm bồi thường thì khoản nợ đó sẽ là gánh nặng lớn cho khách hàng, còn về phía ngân hàng chịu áp lực nợ xấu, tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Doanh thu bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng hiện đang chiếm trên 50% tổng doanh thu của một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Tại một số công ty bảo hiểm có công ty mẹ là ngân hàng, tỷ lệ này có thể lên đến 60 - 70%. Có thể nói, bancassurance đang trở thành “con át chủ bài” mang lại doanh thu mới cho một số công ty bảo hiểm khối phi nhân thọ.
Những thách thức
Tuy nhiên, chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán mới đây, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong Top 5 doanh thu lớn nhất thị trường cho biết, mô hình bán bảo hiểm này hiện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Theo vị này, thách thức lớn nhất hiện nay đối với kênh bancassurance nói riêng, ngành bảo hiểm nói chung là nhận thức của người dân đối với bảo hiểm vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, tại Việt Nam, hiểu biết của người dân về những giá trị của bảo hiểm chưa thực sự cao. Mặt khác, những dư luận không tích cực về bảo hiểm nhân thọ triển khai qua ngân hàng trong thời gian qua càng dẫn tới tâm lý hoang mang và dè chừng đối với các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ được triển khai qua kênh này.
Thách thức thứ hai mà các công ty bảo hiểm phải đối mặt là, cơ sở pháp lý hướng dẫn hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng tại Việt Nam chưa thực sự hoàn thiện. Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) chính thức được Quốc hội thông qua và có hiệu từ ngày 1/1/2023 đã bổ sung những quy định về hoạt động bancassurance dành cho doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng.
Bên cạnh đó, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 hiện chưa có các hướng dẫn đi kèm cũng đang tạo ra những cách hiểu khác nhau, khiến cho việc triển khai kênh phân phối sản phẩm này đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Thách thức thứ ba là, tại Việt Nam vẫn chưa có nhiều sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt dành riêng cho kênh bancassurance. Hiện nay, việc bán bảo hiểm qua ngân hàng vẫn tập trung chủ yếu vào các sản phẩm bảo hiểm có liên hệ với khoản vay và người vay vốn. Kênh bancassurance do đó cần đa dạng hơn các dòng sản phẩm khác để tạo ra những động lực phát triển mới mạnh mẽ hơn và bảo vệ quyền lợi khách hàng ngày càng tốt hơn.
Thách thức cuối cùng không thể phủ nhận là vẫn còn tình trạng một bộ phận nhỏ cán bộ ngân hàng thay vì tư vấn, khuyến khích khách hàng mua bảo hiểm để được nhận những quyền lợi thiết thực thì lại ép khách hàng hay chèo kéo khách hàng để bán sản phẩm. Điều này vô hình trung đã làm ảnh hưởng xấu tới ngành bảo hiểm cũng như ngành ngân hàng.
Nguồn: ĐTCK
Bài viết khác cùng nhóm