Nhiều nhân viên Gen Z trình lên tôi một kế hoạch nghe rất to tát, thuyết trình hùng hồn, nhưng khi hỏi về phương án dự phòng thì tậm tịt.
Đọc nhiều bài viết và các bình luận gần đây xung quanh câu chuyện thái độ làm việc của các bạn nhân viên trẻ Gen Z, tôi thấy một số bạn trẻ thuộc thế hệ Z đang bị "ảo tưởng quyền lực" quá lớn so với khả năng thực sự của bản thân. Đó là hệ quả của việc mạng xã hội phát triển như vũ bão, kèm nhiều thông tin tiêu cực, thiếu kiểm chứng xuất hiện ngày một nhiều, làm lệch lạc suy nghĩ của thế hệ trẻ.
Đúng là có những bạn Gen Z rất tài giỏi, làm việc nghiêm túc, có tinh thần trách nhiệm, xứng đáng được biệt đãi. Và nhờ mạng xã hội, sự công nhận ấy nhanh chóng được lan tỏa rộng rãi. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những bạn trẻ năng lực chỉ ở mức khá, tạm chấp nhận được, nhưng khi đưa lên mạng xã hội, các bạn tự thổi phồng bản thân lên gấp năm, gấp bảy lần. Kết quả là không ít bạn nhìn vào đó, cũng thấy rằng mình tài giỏi, xứng đáng được nhận lại như những gì mà người khác có được, từ đãi ngộ đến đặc quyền.
Và cũng từ đây, những chuyện bi hài trong công sở liên tiếp xảy ra như nhiều bạn đã đề cập tới trong các bài viết như: cự tuyệt tin nhắn, cuộc gọi của sếp sau giờ làm; thích thì làm, chán là nghỉ; khó chiều; khó làm việc nhóm...
Có người biện minh cho thái độ có phần thiếu lễ độ, thiếu tôn trọng cấp trên, người lớn tuổi của một bộ phận nhân viên Gen Z là "dám nghĩ dám làm". Cá nhân tôi không dám chắc về nhận định đó. Bởi thực tế, cứ khoảng 20 bạn trẻ mà tôi có dịp tiếp xúc thì chỉ có khoảng một, hai người là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong công việc.
>>>>> Tới thời Gen Z làm sếp?
Ở đây, chúng ta còn phải hiểu chính xác thế nào là dám nghĩ, dám làm? Trong môi trường công việc, rất nhiều bạn trẻ thể hiện điều đó với tư tưởng "làm đến đâu thì làm, hậu quả đã có người khác lo; lỡ làm hỏng việc thì cùng lắm nghỉ việc, nhảy việc, dù sao cũng có phải tiền của mình đâu".
Tôi đã gặp không ít bạn nhân viên Gen Z trình lên một kế hoạch nghe thì rất to tát, thuyết trình rất tự tin, hùng hồn. Thế nhưng, đến khi tôi hỏi rằng "em có phương án B dự phòng bất trắc nào không?" thì các bạn quả quyết "không cần" theo kiểu chắc thắng. Vậy là tôi thử vạch ngay ra vài tình huống sự cố ngoài kế hoạch của bạn, đề nghị bạn bổ sung cách giải quyết cụ thể cho các tình huống đó. Kết quả sau đó thường chẳng ra làm sao, và đa phần các bạn này đều tìm cách thoái lui, hoặc ậm ừ chung chung cho qua chuyện.
Sư thật là có nhiều bạn trẻ mới ra trường nhưng rất hay ngộ nhận. Họ thấy chỗ này, chỗ kia trả lương tốt là mặc định ai ra trường cũng phải được thế, mà không nhìn ngược lại để thấy người tuyển dụng trả lương cho nhân viên cao như vậy là họ đóng khung năng lực ứng viên chứ có phải thế nào cũng nhận đâu. Chính sự ảo tưởng sức mạnh bản thân đó đang khiến ấn tượng về thái độ làm việc của nhân viên Gen Z trở nên xấu hơn.
Nguồn: VNexpress
Bài viết khác cùng nhóm