Cuộc khủng hoảng của thị trường bảo hiểm nhân thọ năm 2023 phần nào đó lại là điều tốt, sàng lọc bớt các đại lý nửa mùa và giúp các đại lý còn lại tự nâng cao kiến thức, đạo đức để trưởng thành hơn.
Vội vã đến, vội vã ra đi
Những ngày cuối năm 2023, ngồi nghe một số đội nhóm kinh doanh bảo hiểm nhớ về những cái Tết không chỉ có bánh chưng, thịt, mà còn đào, quất từ các năm trước và lo Tết không bánh chưng của năm nay.
Đại lý lâu năm Nguyễn Kim Thanh kể, các năm trước đây, niềm tin gần như tuyệt đối của lượng lớn khách hàng vào những gì đại lý bảo hiểm tư vấn giúp việc bán bảo hiểm rất dễ. Doanh thu về ầm ầm, có đại lý bảo hiểm mới vào nghề được 6 tháng mà có ngày chốt ký tận 5 hợp đồng bảo hiểm.
Phóng viên từng biết 2 đại lý bảo hiểm còn non nghề, chưa hiểu hết các thông tin, điều khoản của bộ hợp đồng, bảng minh họa quyền lợi bảo hiểm, nhưng liên tiếp được lên bục vinh danh nhờ bán cho toàn họ hàng, người thân quen… Có đại lý khi khách hỏi những câu đơn giản cũng không đủ tự tin, phải gọi điện về hỏi người quản lý ở cấp trên, khiến nhiều người cho rằng, bán bảo hiểm rất dễ và nhàn hạ.
Đại lý Nguyễn Thu Hương kể, đa số khách hàng của chị vì quá tin tưởng, nên toàn chuyển tiền phí đóng vào tài khoản cá nhân của chị, mà không yêu cầu gì. “Lúc đấy mà muốn chiếm đoạt tiền phí đóng của khách hàng thì dễ ợt”, chị kể.
Chính sự dễ dàng này đã giúp tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của ngành bảo hiểm nhân thọ giai đoạn trước năm 2022 liên tục tăng trưởng 2 con số mỗi năm. Trong đó, năm 2021 dù nhiều ngành nghề khó khăn do Covid, nhưng tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của bảo hiểm nhân thọ tăng tới gần 20%.
Tuy nhiên, cũng chính sự “nhàn” ấy, sự quen biết dễ dãi ấy, nên đã xuất hiện không ít hợp đồng bảo hiểm được ký ẩu. Đồng thời, cũng tạo nên lớp tư vấn viên bảo hiểm tạm bợ, không coi bảo hiểm là nghề nghiêm túc, trong khi các công ty chạy theo doanh số mà lơ là công tác đào tạo, bồi dưỡng đại lý, tư vấn viên, khiến đám lửa âm ỷ cháy và bùng phát trong năm 2023. Đó là lý do khiến năm qua, lần đầu tiên sau hơn 20 năm, ngành bảo hiểm nhân thọ chứng kiến con số tăng trưởng doanh thu khai thác mới là số âm.
Đại lý Đỗ Thị Huyền (Quảng Ninh) cho biết, thị trường có gần 20 công ty bảo hiểm nhân thọ, chỉ riêng ở Hạ Long mỗi 1 tháng có 2 đợt thi, số lượng học viên tốt nghiệp trong 1 khoá của mỗi công ty khoảng 20 - 30 người, tính trung bình một năm có khoảng gần 10.000 tư vấn viên tốt nghiệp. Chưa tính các tư vấn viên cũ, hay các tư vấn viên bảo hiểm ở các ngân hàng và công ty môi giới bảo hiểm... Tuy nhiên, theo chị Huyền, dù số lượng hùng hậu, nhưng lại luôn thiếu những tư vấn viên dành thời gian nghiêm túc làm nghề để có thể tư vấn và đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho khách hàng.
“Giờ soi lại các hợp đồng bảo hiểm đã ký cho khách hàng thực sự thấy buồn vì cách thiết kế sản phẩm bảo hiểm. Thiết kế quyền lợi về đầu tư tiết kiệm quá cao, vượt quá khả năng tài chính của khách hàng. Nhiều khách hàng sau khi tham gia 1 năm, không đủ tài chính để đóng được nữa, muốn hủy bỏ hợp đồng. Chọn mua sản phẩm bảo hiểm nhưng lại ưu tiên tiết kiệm, nếu khách hàng bị ung thư giai đoạn đầu cũng không được hỗ trợ gì”, chị Huyền bộc bạch.
Đại lý Nguyễn Minh Châu cho biết, sau hơn 3 năm vào nghề, chị nhận thấy đặc điểm chung của thị trường bảo hiểm nhân thọ là các tư vấn viên trong 6 tháng đầu hoạt động rất mạnh, hồ hởi, năng lượng, nhưng sau 6 tháng thì bắt đầu giảm năng lượng, sau 12 tháng thì có khoảng 50% sẽ rời cuộc chơi và sau 12 - 24 tháng, đại đa số chán nản, bỏ nghề.
Thực tế, theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, có tới khoảng 90% đại lý bảo hiểm nhận thọ cắt code trong 24 tháng đầu tiên. Đặc biệt, sau cuộc khủng hoảng truyền thông năm qua, không chỉ người dân, mà nhiều tư vấn bảo hiểm cũng mất niềm tin với nghề.
“Nếu biết được diễn biến của thị trường như năm qua, tôi đã không dại gì mà ‘đặt cược’ tất cả vào đây, giờ bị rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan”, địa lý Nguyễn Quỳnh Trang, người đã cùng một đồng nghiệp khác mua tới 18 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mệnh giá cao cho bản thân và người nhà để chạy doanh số, với kỳ vọng lên “lever” rồi sau đó lấy tiền hoa hồng nuôi lại các hợp đồng bảo hiểm than thở và cho biết, nhóm chị buộc phải thanh lý một số tài sản, tính chuyện vay ngân hàng nếu không thanh lý được để có tiền duy trì đóng phí bảo hiểm.
Vững tin với nghề
Dù có rất nhiều người xem nghề đại lý, tư vấn bảo hiểm là nghề tạm bợ, không chuyển tâm, làm ăn chụp giật, gây ra hình ảnh xấu trong mắt người dân về ngành bảo hiểm nhân thọ, nhưng vẫn có những đại lý, đội ngũ tư vấn vững tin với nghề, luôn trau dồi kiến thức, nâng cao tầm và cả tâm để phục vụ khách hàng và họ vẫn “sống tốt” dù 2023 là một năm sóng gió.
Đại lý bảo hiểm Hà Mỹ Linh bộc bạch, càng khó khăn lại càng nỗ lực, nhờ lăn xả, tạo kết nối, xây thương hiệu, coi bảo hiểm như một nghề cao quý, nhân văn, tự lên kế hoạch và hành động mỗi ngày, nên năm qua, tổng thu nhập của chị không giảm nhiều, vẫn duy trì ở mức gần 800 triệu đồng.
Hay theo đại lý bảo hiểm Nguyễn Duy Thành, dẫu mấu chốt sự cố năm qua nằm từ khoá “thiếu kiến thức” cho cả bên bán lẫn bên mua bảo hiểm, nhưng các đại lý hãy tự tin trở thành chuyên viên tư vấn bảo hiểm thay vì chỉ là “Sale bảo hiểm” thông thường để định vị chính mình, vươn lên.
Nâng cao đạo đức nghề nghiệp cũng là cách giúp đại lý bảo hiểm chính trực để đi được đường dài. Chỉ có làm việc tử tế mới đứng vững và đi đường dài được với nghề.
“Nhiều đại lý bảo hiểm mới vào nghề, bán được cho người thân quen, nhận hoa hồng rất cao, nên nghĩ đây là ngành ‘việc nhẹ lương cao’, mà quên đi việc phải rèn luyện, trau dồi kiến thức. Không có gì là dễ dàng, nhàn hạ cả. Muốn được an nhàn trong dài hạn, thì hãy không ngừng cố gắng từ những ngày bắt đầu, đều đặn, hàng ngày để có kiến thức về sản phẩm, thái độ tốt, kỹ năng, marketing, mang sản phẩm tối ưu - phù hợp đến từng khách hàng, trở thành những tư vấn viên chuyên nghiệp mà thị trường đang thiếu”, MDRT (Bàn tròn triệu đô - danh hiệu dành cho các chuyên gia tư vấn tài chính và bảo hiểm xuất sắc) Lê Hà chia sẻ.
Nguồn: bhnt.me
Bài viết khác cùng nhóm