Vợ chồng cùng tạo ra thu nhập, chưa có con càng nên tham gia bảo hiểm sớm để tránh tăng phí và bảo vệ tài chính trong trường hợp mất khả năng lao động.
Vợ chồng tôi bằng tuổi nhau, năm nay đều 30 tuổi, sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Chúng tôi vừa kết hôn không lâu và chưa có ý định sinh em bé trong 2-3 năm tới. Ngoài khoản tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng và khoản tiền nhỏ bỏ vào chứng khoán, chúng tôi cũng muốn tham gia thêm hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Thu nhập của chồng nhỉnh hơn tôi và nhìn chung cũng khoẻ mạnh, ít bệnh lý hơn tôi. Thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng biến động nhưng bình quân ít nhất 70 triệu đồng một tháng.
Với hoàn cảnh như vậy, chưa con cái, nhờ chuyên gia tư vấn chúng tôi có nên tham gia bảo hiểm nhân thọ lúc này luôn không? Ai là người tham gia bảo hiểm, loại bảo hiểm nào và giá trị bao nhiêu phù hợp? Ưu tiên của chúng tôi là bảo vệ tài chính trước biến cố lớn như mất khả năng lao động hay bệnh hiểm nghèo. Xin cảm ơn.
Thanh
Chuyên gia tư vấn:
Theo tôi, nếu vợ chồng bạn đã có ý định tham gia bảo hiểm nhân thọ để bảo vệ tài chính trước các biến cố, không nên chờ tới lúc có con rồi mới mua. Việc đổi người thụ hưởng trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thể được dễ dàng thay đổi.
Bên cạnh đó, bạn cần phải hiểu, phí bảo hiểm được tính toán dựa trên độ tuổi của người được bảo hiểm, tình trạng sức khoẻ tại thời điểm đó. Vì thế, khi bạn tham gia ở độ tuổi càng muộn, phí bảo hiểm sẽ càng đắt và có thêm nhiều điều khoản loại trừ.
Từ trường hợp của vợ chồng bạn, tôi đề xuất hai giải pháp:
Trường hợp 1: Vợ và chồng tham gia mỗi người một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Trong trường hợp gia đình có cả vợ và chồng đều đi làm tạo ra thu nhập, có khả năng tài chính ổn định, mỗi người nên tham gia cho mình một hợp đồng bảo hiểm để gia tăng khả năng bảo vệ và tích lũy tốt hơn. Đây là giải pháp tôi khuyến nghị và cũng là lựa chọn phổ biến hiện nay khi vợ chồng cùng kiếm tiền.
Về tài chính, bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm mang tính dài hạn, do vậy vợ chồng cần cân nhắc thật kỹ và lựa chọn gói bảo hiểm có mức phí phù hợp.
Mức bảo vệ đề xuất (theo Swiss Re) là 13 lần thu nhập năm. Ví dụ mức thu nhập của mỗi người là 30 triệu mỗi tháng, tương ứng với 387 triệu một năm. Mức bảo vệ (hay số tiền bảo hiểm) sẽ là 387 x 13 lần = 5 tỷ đồng.
Với thu nhập hai vợ chồng 70 triệu đồng mỗi tháng, khoản phí bảo hiểm của cả 2 hợp đồng này nên dao động từ 10-15% thu nhập (tức không quá 10,5 triệu đồng mỗi tháng với mỗi hợp đồng), đảm bảo khả năng tài chính tham gia dài hạn.
Theo đó, người chồng tham gia một hợp đồng với số tiền hàng tháng 10-15% thu nhập, bổ sung các quyền lợi về bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ, đặc biệt là nên tham gia sản phẩm Hỗ trợ đóng phí để đảm bảo kế hoạch tài chính được diễn ra đúng hẹn trong trường hợp chồng không may mắc bệnh hiểm nghèo hoặc mất sớm.
Tương tự, người vợ cũng tham gia hợp đồng với số tiền đóng 10-15% thu nhập, nhưng có bổ sung thêm quyền lợi về thai sản.
Trường hợp 2: Hai vợ chồng cùng tham gia một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, trong đó chồng là người được bảo hiểm chính, vợ là người được bảo hiểm bổ sung.
Thông thường, người trụ cột (thường là người chồng) nên được ưu tiên trước. Bởi lẽ, người trụ cột có vai trò duy trì kinh tế ổn định cho gia đình nhưng phải tham gia trực tiếp vào quá trình lao động và đi lại thường xuyên, vì thế có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn.
Bạn có thể ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với người chồng đứng tên sản phẩm chính và tham gia cho người vợ các gói bảo hiểm bổ trợ. Đây cũng là giải pháp giúp người chồng được bảo vệ trước rủi ro, đồng thời tạo điều kiện để người vợ được chăm sóc sức khỏe tốt nhất.
Theo đó, người chồng cũng tham gia một hợp đồng với số tiền hàng tháng 10-15% thu nhập, bổ sung các quyền lợi như hợp đồng trong trường hợp 1. Số tiền bảo hiểm gấp 13 lần thu nhập hằng năm người chồng tạo ra.
Trong hợp đồng này, vợ sẽ là người được bảo hiểm bổ sung với các quyền lợi về bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ và thai sản.